Lượng mưa trên 500 m chỉ trong 6 giờ, hệ thống thoát nước chưa tính đến lượng mưa đặc biệt lớn là nguyên nhân khiến Đà Nẵng ngập "chưa từng thấy".
Ngày 14/10, mưa lớn do hoàn lưu trước bão Sơn Ca khiến cả 6 quận huyện của Đà Nẵng ngập 0,5-1,5 m, một số nơi ở quận Liên Chiểu ngập gần 2 m. Đến sáng hôm sau nước cơ bản rút hết, chỉ còn một số vùng trũng thấp ngập 0,5-1 m. Thành phố ghi nhận 4 người chết, gần 3.900 ngôi nhà ngập sâu, hơn 200.000 hộ dân bị mất điện.
Trong cuộc họp khắc phục hậu quả ngày 15/10, lãnh đạo thành phố đánh giá đây là trận mưa "lịch sử và chưa từng xảy ra". Cơ quan chuyên môn và các chuyên gia thời tiết, quy hoạch đã chỉ ra ba nguyên nhân lớn khiến Đà Nẵng ngập nặng.
Mưa đặc biệt lớn trong thời gian ngắn
Ghi nhận của cơ quan khí tượng, từ 7h ngày 14 đến 7h ngày 15 lượng mưa ở Suối Đá là 795 mm; trung tâm thành phố 630 mm; hồ Thạc Giám 590 mm. Các khu vực khác phổ biến 300-500 mm, tập trung khoảng 6 tiếng chiều tối qua.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, đánh giá mưa trong 6 tiếng đến 500 mm là đặc biệt lớn. Nguyên nhân là áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão Sơn Ca kết hợp với không khí lạnh, dải hội tụ nhiệt đới và gió đông trên cao. Đặc điểm địa hình chắn gió ở miền Trung cũng dễ gây mưa lớn khi không khí lạnh tràn về.
Đà Nẵng vừa có núi cao tập trung ở phía tây và tây bắc, vừa có đồng bằng ven biển, địa hình có độ dốc lớn. Bình thường mưa lớn, nước sẽ nhanh chóng đổ ra Biển Đông. Tuy nhiên, đêm qua triều cường từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên, trong đó có TP Đà Nẵng, dâng cao đã làm chậm quá trình thoát nước ra biển.
[https://vnexpress.net/vi-sao-da-nang-ngap-chua-tung-thay-4523918.html]