A ngùy là gì?
A ngùy là vị thuốc Bắc khá phổ biến trong Đông y. Còn được biết đến với tên gọi khác là a ngu, a ngụy, ẩn triển, cáp tích nê, hình ngu. Trong Hòa Hán Dược Khảo vị thuốc này có tên a ngu tiệt, ngùy khứ tật. Còn huân cừ là tên gọi theo Đường Bản thảo, Trung Dược chí lại gọi là ngũ thái ngùy.
Dù tên gọi khác nhau nhưng các tài liệu dược học đều kết luận giống nhau về tác dụng của vị thuốc này. Ngoài ra, nó còn có tên khoa học là Ferula Assafoetiada L
Đặc điểm của cây a ngùy
Cây a ngùy là loài cây thân thảo, sống lâu năm nhưng chỉ cao khoảng 0.5 – 1 mét. Lá cây chẻ, cuống lá dẹp bao quanh thân cây, có hoa nhỏ màu vàng mọc từ nách lá.
Thân cây chứa mủ khi rạch lớp vỏ thì chúng tiết ra ngoài và ngưng kết lại thành những khối hình lớn – nhỏ không đồng đều. Những khối mủ này thường có màu nâu sậm, nâu tím có khi màu vàng đục hoặc màu trắng.
Những khối mủ này tuy cứng nhưng khi bóp vào thì chúng lại mềm và có tính kết dính như keo, có mùi đặc trưng. Đây cũng chính là dược liệu để làm thuốc chữa bệnh.
Phân bố và thu hái a ngùy
Vị thuốc a ngùy có nguồn gốc từ xứ sở Ba Tư và Trung Quốc là chính đến nay vẫn chưa du nhập sang các nước khác.
Ở Việt Nam, người dân vẫn chưa tìm được cách trồng vị thuốc này. Chính vì thế mà các nhà thuốc nam vẫn còn phải nhập vị thuốc a ngùy từ nước bạn.
Theo sách “Trung Dược Đại Tự Điển”, a ngùy thường được thu hái vào mùa Đông khi thời tiết bắt đầu trở lạnh, vào thời điểm trước khi cây ra hoa.
Khi thu hoạch, người ta thường dùng dao để rạch những đường rãnh bao quanh vỏ cây và lấy lá che lại. Và sau vài ngày thì người ta quay lại và cạo lấy những khối mủ đã kết lại.