"Cơ sở pháp lý sẽ được tạo ra để cho phép vận hành các nhà máy điện hạt nhân Isar 2, Neckarwestheim 2 và Emsland sau ngày 31/12 đến 15/4/2023", Thủ tướng Olaf Scholz cho biết trong thư gửi các bộ trưởng Đức được công bố ngày 17/10.
Chính phủ Đức trước đó chỉ đồng ý giữ lại hai trong số ba nhà máy điện hạt nhân còn lại của nước này, vốn được lên kế hoạch đóng cửa vào cuối năm nay, trong bối cảnh nền kinh tế hàng đầu châu Âu cố gắng giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga.
Số phận của nhà máy điện hạt nhân Emsland tại bang Hạ Sachsen gây ra rạn nứt giữa các thành viên đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP), hai đối tác trong liên minh của Thủ tướng Scholz. Các thành viên đảng Xanh phản đối lời kêu gọi của đảng Dân chủ Tự do về duy trì hoạt động của nhà máy Emsland.
Bức thư gửi ngày 17/10 cho biết ông Scholz, thành viên đảng Dân chủ Xã hội (SPD), viện dẫn quyền lực với tư cách là Thủ tướng Đức để ban hành chỉ thị duy trì hoạt động ba nhà máy điện hạt nhân còn lại của nước này.
Đức ban đầu đặt mục tiêu ngừng sử dụng năng lượng hạt nhân vào cuối năm 2022, hoàn thành kế hoạch do cựu thủ tướng Angela Merkel đặt ra năm 2011 sau thảm họa tại Fukushima, Nhật Bản.
Tuy nhiên, chiến sự tại Ukraine làm đảo lộn kế hoạch của Đức và buộc nước này phải cân nhắc lại sau khi giá điện tăng cao đáng kể và Nga đình chỉ cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1.
Đức đang gấp rút đảm bảo cung cấp đủ năng lượng trong bối cảnh mùa đông sắp tới và được cho là sẽ lạnh hơn. Đức đang khởi động lại một số nhà máy nhiệt điện than, vốn được đưa vào tình trạng niêm cất từ nhiều năm trước.
Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck ngày 5/9 thông báo Đức sẽ giữ lại hai trong số ba nhà máy điện hạt nhân còn lại là Isar 2 và Neckarwestheim 2 ở chế độ chờ để làm phương án dự phòng tới tháng 4/2023.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Habeck sau đó đối mặt áp lực ngày càng tăng của FDP trong duy trì hoạt động của cả ba nhà máy, trong đó Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner nói cần các cơ sở này để "giảm giá và ngăn mất điện".
Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann, thành viên FDP, hoan nghênh quyết định của Thủ tướng Scholz. "Ý thức chung chiếm ưu thế. Điều này tăng sức mạnh cho đất nước chúng ta vì nó đảm bảo ổn định thêm lưới điện và giữ giá điện ở mức thấp hơn", ông Buschmann viết trên Twitter.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)