Truyền thông Nhật Bản hôm nay cho biết Bộ Quốc phòng nước này đã quyết định triển khai số lượng nhỏ máy bay không người lái (UAV) tự sát trên hàng loạt chuỗi đảo tiền tiêu để tăng cường khả năng phòng thủ. Những lô máy bay đầu tiên dự kiến được mua từ Mỹ và đưa vào biên chế trong năm 2023, trong lúc ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản phát triển các phiên bản nội địa.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đưa UAV tự sát vào danh mục mua sắm trong ngân sách quân sự năm 2023, nhưng chưa rõ số tiền được phân bổ. Tokyo đặt mục tiêu triển khai hàng trăm phi cơ các loại trên các chuỗi đảo xa xôi từ năm 2025, trong đó có những khu vực tranh chấp như quần đảo Nansei nằm ở đông bắc đảo Đài Loan.
Ngoài nhiệm vụ tiến công và phòng thủ đảo trong xung đột, những phi đội UAV cũng có thể đóng vai trò hệ thống tuần tra và cảnh giới cho các đơn vị phòng vệ trong thời bình.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đặt mua ba UAV do thám cỡ lớn RQ-4B do Mỹ chế tạo với tổng giá trị 1,2 tỷ USD, chiếc đầu tiên được bàn giao hồi tháng 9. Tuy nhiên, các phi cơ này chỉ có thể làm nhiệm vụ tuần tra và trinh sát, không có khả năng tấn công mục tiêu và dễ bị lưới phòng không đối phương vô hiệu hóa.
UAV tự sát, còn gọi là đạn tuần kích, tấn công bằng cách đâm trực diện vào mục tiêu. Chúng thường có kích thước nhỏ, tốc độ thấp và mang đầu đạn không lớn.
UAV tự sát rẻ và kém tinh vi hơn tên lửa, nhưng đạt hiệu quả cao hơn trong tấn công mục tiêu mặt đất và mặt biển vì khó bị phát hiện, có thể được triển khai với số lượng lớn để gây quá tải lưới phòng không đối phương. Một số UAV tự sát có tầm hoạt động hàng trăm đến hàng nghìn km, đủ sức quần thảo trên không suốt nhiều giờ để tìm kiếm mục tiêu tiềm năng trước khi lao xuống.
Loại vũ khí này trở nên phổ biến trong xung đột giữa Armenia và Azerbaijan ở vùng Nagorno-Karabakh cuối năm 2020, các cuộc tập kích của phiến quân thân Iran nhằm vào Arab Saudi và Iraq, cũng như xung đột Nga - Ukraine hiện nay.
Vũ Anh (Theo Japan Times)