Bác sĩ Bùi Thị Dương Thảo, Trưởng khoa Thăm dò, Bệnh viện Hà Đông, cho biết có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến sưng bìu như u tinh hoàn, viêm tinh hoàn mào tinh, tràn dịch mang tinh hoàn, giãn tĩnh mạch tinh, thoát vị bẹn... Trong đó, ung thư tinh hoàn là sự phát triển khối u ác tính xuất phát từ một trong hai tinh hoàn. Căn bệnh này chiếm khoảng 1% trường hợp ung thư ở nam giới, 5% ca ung thư đường sinh dục - tiết niệu.
Một bệnh nhân 33 tuổi, đến Bệnh viện Hà Đông khám do đau, sưng bìu trái trong thời gian dài. Kết quả siêu âm, xét nghiệm, phát hiện vị trí giữa tinh hoàn trái bệnh nhân có khối hỗn hợp kích thước lớn nghi ngờ u. Theo bác sĩ Thảo, bệnh nhân bị ung thư tinh hoàn trái Teranoma giai đoạn một, chỉ định phẫu thuật.
Ung thư tinh hoàn là bệnh khá hiếm gặp so với các loại ung thư khác. Có nhiều yếu tố nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn, trong đó người có tinh hoàn ẩn cần đặc biệt chú ý. Bình thường tinh hoàn phát triển trong bụng thai nhi và đi xuống bìu trước khi sinh. Tuy nhiên, ở khoảng 3% bé trai, tinh hoàn không xuống bìu khi sinh. Nếu không được phát hiện và phẫu thuật đưa tinh hoàn xuống bìu, nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2,5 đến 14 lần so với người bình thường.
Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân ung thư tinh hoàn thường không có triệu chứng đặc biệt. Một số người có cảm giác tinh hoàn hơi đau, sờ thấy một bên to hơn so với bên còn lại. Các dấu hiệu này thường không rõ ràng nên dễ bị bỏ qua.
Giai đoạn muộn, khối u phát triển lớn, có thể sờ thấy một khối cứng, đặc trong bìu. Người bệnh cũng gặp một số triệu chứng như đau tinh hoàn, vú to lên, đau lưng do khối u di căn chèn ép vào các cơ quan khác.
Ung thư tinh hoàn có thể chữa được với hiệu quả khá cao nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, điều trị bằng một hoặc kết hợp các phương pháp với nhau. Phương pháp điều trị là phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn ung thư và nạo vét hạch (nếu có). Theo từng giai đoạn và thể bệnh, có thể phối hợp thêm hóa trị, xạ trị sau mổ. Trước điều trị, bệnh nhân thường được tư vấn trữ đông tinh trùng để bảo tồn khả năng sinh sản trong trường hợp muốn có con.
Bác sĩ khuyến cáo các em bé còn nhỏ tuổi chưa biết tự kiểm tra tinh hoàn, cha mẹ nên kiểm tra định kỳ cho con nhằm phát hiện sớm những bất thường như vùng bìu hoặc tinh hoàn to. Nam giới đã trưởng thành nên thường xuyên tự kiểm tra tinh hoàn. Cách kiểm tra tốt nhất là sau khi tắm nước ấm, nhiệt từ nước sẽ làm thư giãn bìu, từ đó dễ dàng phát hiện bất thường. Có thể kiểm tra từng tinh hoàn bằng cả hai tay, cách thức là đặt ngón tay giữa vào tinh hoàn đồng thời ngón tay cái trên đầu, lăn nhẹ tinh hoàn giữa ngón cái và các ngón tay. Bình thường tinh hoàn trơn, có hình dạng hình bầu dục, không có khối gồ lên. Nếu sờ thấy một khối u bất thường hoặc thấy cả bìu to lên bất thường, bạn cần đi khám.
Minh An