Trả lời:
Ung thư dạ dày là biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm teo niêm mạc dạ dày. Ước tính có khoảng 5-7% tỷ lệ người bị viêm teo niêm mạc dạ dày trên 10 năm biến chứng thành ung thư dạ dày. Viêm teo niêm mạc dạ dày hầu hết là lành tính nhưng cũng có một số trường hợp có thể chuyển thành ác tính. Những tổn thương viêm teo niêm mạc lâu năm có thể biến đổi về mặt sinh lý gây ra dị sản ruột và loạn sản. Đây là các tổn thương tiền ung thư.
Nguyên nhân gây viêm teo niêm mạc dạ dày phần lớn do vi khuẩn Helicobacter Pylori (H.P). Khi người bệnh có viêm teo niêm mạc dạ dày hoặc dị sản ruột thì dù có điều trị triệt để vi khuẩn H.P vẫn không làm biến mất hoàn toàn nguy cơ ung thư dạ dày. Do đó, khi đã có viêm teo niêm mạc dạ dày, người bệnh cần nội soi dạ dày định kỳ nhằm phát hiện tổn thương tiền ung thư hay ung thư dạ dày giai đoạn sớm.
Con đường hình thành ung thư dạ dày bao giờ cũng diễn biến qua các giai đoạn gồm viêm teo niêm mạc dạ dày, dị sản ruột, loạn sản, ung thư giai đoạn sớm và cuối cùng là ung thư dạ dày tiến triển.
Loét dạ dày không chuyển thành ung thư dạ dày. Nhiều người thường bị nhầm lẫn giữa ổ loét dạ dày ác tính (ung thư dạ dày) và ổ loét dạ dày lành tính. Ổ loét dạ dày ác tính khi uống thuốc giảm tiết axit cũng cải thiện triệu chứng giống như ổ loét lành tính và có thể lành một phần trên quan sát qua nội soi nhưng không thể lành hoàn toàn. Khi bệnh nhân chẩn đoán loét dạ dày bao giờ cũng phải nội soi kiểm tra lại sau điều trị cho tới khi ổ loét dạ dày liền sẹo hoàn toàn (sẹo trắng) để chắc chắn là lành tính.
Ung thư dạ dày giai đoạn đầu hay sớm không có triệu chứng mà chỉ tình cờ phát hiện trên nội soi. Khi người bệnh thấy đau bụng, đầy bụng, nôn..., bệnh thường đã ở giai đoạn không còn sớm. Do đó, nội soi định kỳ ở người từ 40 tuổi trở lên rất quan trọng.
Thông tin bạn đưa ra chưa đủ cơ sở để xác định bệnh đang tiến triển thành ung thư. Để chẩn đoán chính xác, bạn nên đến cơ sở y tế để tiến hành nội soi dạ dày. Đây là phương pháp tốt nhất để xác định ung thư dạ dày. Bác sĩ sẽ quan sát chi tiết tình trạng tổn thương. Lưu ý, xét nghiệm kháng nguyên ung thư CA 7-24 cũng không giúp chẩn đoán do có độ nhạy và tính đặc hiệu với ung thư dạ dày thấp. Chỉ số CA 7-24 có thể tăng ở người không bị ung thư dạ dày hoặc không tăng ngay cả khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Những dấu hiệu bạn đưa ra cũng cần phân biệt với chứng khó tiêu do vi khuẩn H.P và chứng khó tiêu chức năng. Hai bệnh này đều có biểu hiện như đau bụng, nóng rát vùng thượng vị sau ăn, đầy bụng sau ăn nhanh no. Chứng khó tiêu chức năng hay gặp do căng thẳng, stress kéo dài, sinh hoạt không điều độ. Bạn nên thử thay đổi cách sống như không uống rượu hay hút thuốc lá; tránh ăn quá lạnh hoặc quá nóng; tăng cường tập thể dục thể thao... Nếu triệu chứng không giảm cần đi khám chuyên khoa Tiêu hóa để được xác định bệnh.
Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh
Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội