Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm, với thời lượng làm bài 60 phút. Đề thi có những câu thuộc dạng câu hỏi "câu giao tiếp" cơ bản theo tình huống thực tế. Tuy nhiên, nhiều học sinh cảm thấy khó khăn trong việc đọc hiểu tình huống, dẫn đến chọn nhầm phương án phản hồi đúng.
Cô Tạ Thị Hải Quỳnh, giáo viên tiếng Anh trường THPT Đội Cấn, Vĩnh Phúc, hướng dẫn phương pháp làm bài "câu giao tiếp" và chỉ ra các lỗi thường gặp.
I. Phương pháp làm bài "Câu giao tiếp":
Ví dụ (trích đề thi THPT quốc gia 2019):
A porter is talking to Mary in the hotel lobby.
- Porter: "May I help you with your suitcase?".
- Mary: "________".
A. You’re welcome.
B. What a shame?
C. Me too.
D. Yes, please
Bước 1: Đọc lời giới thiệu tình huống, nhận biết mối quan hệ giữa các đối tượng tham gia và bối cảnh giao tiếp. | Bước 1: - Porter (nhân viên khuân vác) - Mary - hotel lobby (sảnh khách sạn) → Mối quan hệ: Nhân viên khách sạn và khách. |
Bước 2: Dịch nghĩa câu thoại cho trước, đặc biệt chú ý đến cấu trúc điển hình để nhận biết chức năng giao tiếp. | Bước 2: Cấu trúc "May I....?" đặc trưng của lời đề xuất. Dịch nghĩa: "Tôi có thể giúp cô mang va ly lên được không?". |
Bước 3: Đọc lướt bốn phương án, nhận diện dấu hiệu ngôn ngữ của chức năng giao tiếp đó. | Bước 3: Cấu trúc đặc trưng khi đáp lại một lời đề xuất là phương án D. Yes, please. |
Bước 4: Chọn đáp án hoặc dịch nghĩa các phương án để chọn câu trả lời phù hợp. | Bước 4: Chọn D. Hoặc: Dịch nghĩa bốn phương án: A. Không có gì. B. Thật đáng xấu hổ! C. Tôi cũng vậy. D. Vâng, làm ơn. → Chọn D. |
II. Các lỗi thường gặp khi làm bài "Câu giao tiếp":
- Lỗi 1: Bỏ qua phần nhận biết mối quan hệ giữa các đối tượng tham gia giao tiếp.
- Lỗi 2: Hiểu sai nghĩa câu thoại cho trước, dẫn đến xác định sai chức năng giao tiếp.
Ví dụ 1:
A: Do you have the time?
B: Sure. I’m free now.
Giải thích: Bạn đang hiểu nhầm cấu trúc "Do you have the time?" là "Bạn có rảnh không?" (tương đương "Are you free?").
Giao tiếp đúng:
A: Do you have the time? (Bạn biết mấy giờ rồi không?).
B: I’m not sure. I think it’s about 11 (Tôi không rõ. Tôi nghĩ là khoảng 11 giờ rồi).
Ví dụ 2:
A: How would you like your coffee?
B: Yes, please.
Giải thích: Bạn đang hiểu nhầm câu "How would you like your coffee?" là "Bạn dùng cà phê nhé?".
Giao tiếp đúng:
A: How would you like your coffee? (Bạn muốn dùng cà phê như thế nào?).
B: With milk and ice, please (Có sữa và đá).
Ví dụ 3:
A: Would you like tea or coffee?
B: Yes, please.
Giải thích: Bạn đang hiểu nhầm câu "Would you like tea or coffee?" là câu hỏi Yes/no.
Giao tiếp đúng:
A: Would you like tea or coffee? (Bạn uống trà hay cà phê?).
B: Tea, please. / I’d prefer tea. / Neither./ Either is fine (Cho tôi trà. / Tôi không dùng gì. / Gì cũng được).
Lỗi 3: Không nắm rõ các cấu trúc đặc trưng của một số chức năng giao tiếp cơ bản, dẫn đến chọn phương án sai.
Ví dụ 1:
A: Do you mind if I turn on the TV?
B: Yes. I love it.
Giải thích: Bạn đang hiểu nhầm câu trả lời "Yes" nghĩa là "Không sao/ được chứ".
Giao tiếp đúng:
A: Do you mind if I turn on the TV? (Bạn có phiền không nếu tôi mở tivi?).
B: No. Go ahead. / No. By all means. / No. Not at all. / Yes. I’m working (Không. Không sao đâu. / Có phiền đấy. Tôi đang làm việc).
Ví dụ 2:
A: She’s really a great mom.
B: Không chọn "You can say that again".
Giải thích: Bạn đang hiểu nhầm câu trả lời "You can say that again" nghĩa là "Bạn có thể nói lại được".
Giao tiếp đúng:
You can say that again = I can’t agree with your more (Tôi hoàn toàn đồng ý với bạn).
Tạ Thị Hải Quỳnh