Giá mỗi pallet gồm khoảng 360 thanh gỗ sồi mà Konrad Kotterl bán đã tăng gấp đôi, từ khoảng 200 USD vào năm ngoái lên 400 USD trong những tháng gần đây, gồm cả phí giao hàng cho khách ở khu vực Munich. Với mức giá này, củi đã đắt tương đương khí đốt, nhưng vẫn là mặt hàng được người Đức lùng sục.
"Đốt gỗ để lấy sưởi ấm không rẻ, nhưng nhiều người lo lắng rằng họ sẽ không có khí đốt để dùng trong mùa đông", Kotterl giải thích về nhu cầu củi đốt tăng vọt.
Nhiều người Đức lo lắng vì mùa đông đã cận kề giữa lúc châu Âu đối mặt cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có. Xung đột Ukraine, các lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt với Nga và việc Moskva cắt giảm nguồn cung khí đốt tới châu Âu đã đẩy giá các mặt hàng năng lượng tăng vọt.
Đức phụ thuộc rất lớn vào khí đốt Nga, với hơn 50% lượng nhập khẩu trong năm 2021 đến từ nước này, chủ yếu qua đường ống Nord Stream 1. Nhưng khi xung đột Ukraine bùng phát, nguồn cung khí đốt giá rẻ này đã bị cắt giảm. Nord Stream 1 gần như đã dừng hoạt động từ tháng 9.
Đức đã nỗ lực tìm kiếm các nguồn cung khí đốt khác để lấp đầy kho dự trữ trước mùa đông, nhưng với giá thành rất cao. Giá khí đốt cao buộc nhiều nhà máy lớn của Đức phải cắt giảm hoặc dừng hoạt động sản xuất, trong khi các hộ gia đình được khuyến nghị sử dụng ít năng lượng hơn.
Các biện pháp này được kỳ vọng có thể giúp Đức vượt qua mùa đông năm nay. Nhưng ở một đất nước mà nửa số ngôi nhà sử dụng khí đốt để sưởi ấm, mùa đông khắc nghiệt hay gián đoạn nguồn cung bất ngờ có thể khiến tình hình trở nên khó lường. Với họ, củi là một trong những phương án dự phòng cho tình huống xấu nhất.
Kotterl, chủ cơ sở kinh doanh củi đốt Brennholz Munchen Palette ở Munich, đã làm nghề khoảng 10 năm và chưa bao giờ thấy nhu cầu củi đốt cao như hiện tại.
Nhu cầu củi bắt đầu tăng trong thời kỳ đại dịch, khi mọi người phải ở nhà nhiều. Nguồn cung gỗ khi đó cũng giảm vì bị sâu bọ phá hoại và các tác động từ môi trường. Sau đó, xung đột ở Ukraine bùng nổ và chuỗi cung ứng, đặc biệt ở Đông Âu, bị gián đoạn.
Nguy cơ về cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa đông đã khiến nguồn cung càng thêm căng thẳng và giá củi tăng đáng kể. Chi phí năng lượng tăng đồng nghĩa quá trình đốn gỗ, sấy, đóng gói và vận chuyển cũng đắt hơn.
Gerd Muller, thành viên Hiệp hội Sản xuất và Thương mại củi ở Đức, cho biết mức giá tăng trung bình khoảng 30-40% ở hầu hết các đại lý, tương đương gần 150 USD mỗi mét khối. Cục Thống kê Liên bang Đức cho biết giá mỗi pallet gỗ và viên nén gỗ trong tháng 8 đã tăng 86% so với cùng kỳ năm trước.
Dù giá củi tăng vọt, nhu cầu khách hàng vẫn cao đến mức Kotterl đã ngừng nhận đơn đặt hàng năm nay từ hồi tháng 7. Một số người muốn đặt hàng cho mùa đông tới, nhưng Kotterl, người phụ thuộc vào nguồn cung gỗ từ Croatia, không thể đảm bảo được điều đó.
Kotterl không phải là nhà cung cấp củi duy nhất đối mặt tình trạng này. Những xưởng gỗ gần Munich đã thông báo từ chối nhận thêm đơn đặt hàng. Simon Tritsl, người trồng cây lấy gỗ ở Ingelsberg thuộc Bavaria, cho biết giá củi mà ông bán gần đây đã tăng khoảng 40%, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.
Củi chiếm khoảng 9,9% tổng nhu cầu năng lượng của các hộ gia đình ở Đức trong năm 2020, theo dữ liệu của cơ quan môi trường Umweltbundesamt.
Kotterl cho biết bản thân cũng gặp nhiều khó khăn vì nhà sản xuất gỗ ở Croatia tăng giá khoảng 8 lần trong năm nay, khi giá năng lượng dùng để sấy gỗ và đóng gói tăng mạnh.
"Đó là một mớ hỗn độn", anh nói.
Jurrgen Gaulke, thành viên Hiệp hội Chủ sở hữu rừng Die Waldeigentumer ở Đức, cho biết các doanh nghiệp trồng cây lấy gỗ ở Đức gặp nhiều khó khăn về giá năng lượng hoặc mua sắm máy móc quản lý, khai thác gỗ, hay chi phí nhân công.
Chi phí sản xuất cao đồng nghĩa giá bán ra phải cao hơn. "Cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu tất cả", Kotterl nói.
Đối mặt giá năng lượng ngày càng đắt đỏ và nguy cơ thiếu hụt nếu mùa đông khắc nghiệt, nhiều người dân và doanh nghiệp ở Đức lo ngại chi phí năng lượng sẽ vượt quá khả năng tài chính của họ. Dù chính phủ cố gắng triển khai các biện pháp hỗ trợ, Tristl nói rằng mọi người vẫn rất lo lắng.
"Đó là lý do nhiều khách hàng mua gấp đôi lượng củi họ thường mua", Tristl chia sẻ.
Muller nói rằng tình trạng tích trữ củi để đề phòng khủng hoảng này sẽ kéo dài. "Mọi người cố gắng xoa dịu tình hình bằng cách sử dụng bếp sưởi bằng củi. Nhưng khi các đại lý chỉ có thể cung cấp một lượng hàng nhất định, củi sẽ không có nhiều trên thị trường", ông nói.
Tình hình thiếu hụt củi đốt trên thị trường cũng khó có thể cải thiện, khi một số quốc gia như Bosnia, Herzegovina và Bulgaria đã ra lệnh cấm xuất khẩu gỗ để đảm bảo nhu cầu nguyên liệu trong nước.
Tìm mua gỗ càng trở nên khó khăn trong giai đoạn cuối mùa. Wolfgang Tholken, 66 tuổi, sống ở Bremen, miền bắc Đức, đã ngừng đốt củi để sưởi ấm trong mùa đông vì lo ngại ảnh hưởng tới môi trường. Nhưng giờ ông muốn quay lại với cách thức sưởi ấm này và muốn dự trữ gỗ cho ít nhất 1-2 tuần.
Nhiều lúc đang đạp xe trên đường, ông lập tức dừng lại nếu nhìn thấy một người trồng gỗ để hỏi mua, nhưng hầu hết đều lắc đầu. Ông có lần còn hứa tặng rượu vang nếu họ bán gỗ, nhưng không thành công.
Kotterl cho biết anh gần đây thường xuyên nhận được những cuộc gọi hối thúc giao củi từ khách hàng. Anh chỉ có thể giao khoảng 10-12 chuyến mỗi ngày và mỗi lần chỉ được vài pallet. "Họ bây giờ chỉ cảm thấy sợ hãi. Vô cùng sợ hãi", anh nói.
Thanh Tâm (Theo Vox)