"Vấn đề tình trạng cuối cùng của Jerusalem cần được giải quyết như một phần đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine, không phải thông qua các quyết định đơn phương", Ngoại trưởng Australia Penny Wong cho biết trong tuyên bố ngày 18/10.
Chính phủ của cựu thủ tướng Scott Morrison hồi năm 2018 công nhận Tây Jerusalem, nơi đặt trụ sở quốc hội và nhiều cơ quan chính phủ Israel, là thủ đô của nước này. Tuy nhiên, Australia khẳng định sẽ không chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv về Jerusalem cho đến khi Israel và Palestine đạt thỏa thuận hòa bình.
Theo Ngoại trưởng Wong, chính phủ hiện tại sẽ không ủng hộ cách tiếp cận làm suy yếu triển vọng đạt thỏa thuận hòa bình. "Đại sứ quán Australia đã và đang ở Tel Aviv", bà nhấn mạnh.
Động thái của chính quyền Morrison, diễn ra một năm sau khi tổng thống Mỹ khi đó Donald Trump công nhận Tây Jerusalem là thủ đô Israel, đã gây phản ứng dữ dội lan rộng ở Australia. Giới chức Palestine cũng chỉ trích quyết định của Australia là "vô trách nhiệm và vi phạm luật quốc tế".
"Tôi biết điều này đã gây mâu thuẫn và đau buồn cho một bộ phận cộng đồng người Australia và hôm nay chính phủ đang tìm cách giải quyết vấn đề đó", Ngoại trưởng Wong nói thêm, đồng thời cáo buộc chính phủ Morrison đưa ra quyết định nhằm giành được sự ủng hộ của cử tri ở ngoại ô Sydney, nơi có cộng đồng người Do Thái khá lớn.
Người Palestine coi Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước họ muốn thành lập trong tương lai ở vùng Bờ Tây và dải Gaza. Trong khi đó, Israel coi toàn thành phố, bao gồm vùng phía đông nước này chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông 1967, là "thủ đô vĩnh viễn và không thể chia cắt", động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận.
Hầu hết các quốc gia không đặt đại sứ quán ở Jerusalem để tránh ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán hòa bình về tình trạng cuối cùng của thành phố.
Quyết định của ông Trump năm 2017 châm ngòi cho làn sóng phẫn nộ của người Palestine. Họ cho rằng với động thái này, Mỹ sẽ không thể đóng vai trò là bên trung gian thành thật trong bất cứ tiến trình hòa bình nào với Israel.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)