"Ông Kishida đã ra lệnh cho tôi sử dụng quyền hạn để điều tra Giáo hội Thống nhất. Tôi sẽ bắt đầu ngay lập tức", Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản Keiko Nagaoka nói với các phóng viên hôm nay.
Cùng ngày, Thủ tướng Kishida phát biểu trước quốc hội rằng có "nhiều nạn nhân" của Giáo hội Thống nhất và những người liên quan tổ chức này đã rơi vào cảnh túng quẫn hoặc đổ vỡ gia đình. "Những nỗ lực giúp đỡ họ vẫn chưa đủ. Vì vậy chính phủ sẽ thực hiện quyền hạn điều tra giáo hội này dựa trên Đạo luật về các Nhóm tôn giáo", ông Kishida nói.
Thủ tướng Nhật Bản cho biết thêm chính quyền của ông cũng muốn thực hiện các biện pháp khác như tăng cường "các sáng kiến ngăn lạm dụng trẻ nhỏ và giúp con cái của các tín đồ học hành và tìm việc".
Truyền thông Nhật Bản cho biết cuộc điều tra sẽ xem xét liệu Giáo hội Thống nhất có gây tổn hại tới các phúc lợi công cộng hay thực hiện hành vi không đúng với một nhóm tôn giáo hay không.
Cuộc điều tra của chính phủ Nhật Bản có thể khiến Giáo hội Thống nhất mất tư cách tổ chức tôn giáo được miễn thuế, song vẫn có thể tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, chính quyền của Thủ tướng Kishida được cho là do dự về khả năng ban hành lệnh này do lo ngại về vấn đề tự do tôn giáo.
Nhật Bản chỉ có hai nhóm tôn giáo từng bị tước tư cách, gồm giáo phái Aum Shinrikyo thực hiện vụ tấn công bằng chất độc thần kinh sarin vào tàu điện ngầm Tokyo năm 1995 và một giáo phái bị tố lừa đảo các thành viên.
Giáo hội Thống nhất trở thành tâm điểm chú ý của dư luận sau vụ ám sát cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Nghi phạm Tetsuya Yamagami khai với cảnh sát rằng anh ta bắn ông Abe vì tin cựu thủ tướng có liên hệ với Giáo hội Thống nhất. Nghi phạm nói mẹ anh ta là thành viên Giáo hội Thống nhất và gia đình bị khánh kiệt vì giáo phái này.
Giáo hội Thống nhất được thành lập năm 1954 ở Hàn Quốc, vươn ra toàn cầu và sở hữu đế chế kinh doanh lớn. Tổ chức từng đối mặt tranh cãi ở Mỹ, nơi người sáng lập Sun Myung Moon bị kết tội trốn thuế và lĩnh án tù.
Tại Nhật Bản, Giáo hội Thống nhất đăng ký hoạt động với tư cách một tôn giáo từ năm 1964 và đối mặt với nhiều vụ kiện từ gia đình những tín đồ đã quyên góp khoản tiền lớn. Họ cũng bị chỉ trích vì bán kinh thánh và các vật phẩm tôn giáo khác với với giá quá cao.
Ngọc Ánh (Theo AFP)