BS.CKI Lê Anh Khánh, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho biết, tình trạng ngủ dậy bị đau lưng xảy ra do sinh hoạt không hợp lý có thể được khắc phục dễ dàng bằng cách vận động nhẹ nhàng, thực hiện các bài tập kéo giãn cột sống. Tuy nhiên, nếu tình trạng này thường xuyên xuất hiện, cơn đau không thuyên giảm kể cả khi đã thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà thì đó có thể là dấu hiệu của các bệnh lý về cột sống.
Những nguyên nhân gây đau lưng khi ngủ dậy được chia làm hai nhóm là do sinh hoạt và bệnh lý, trong đó:
Sinh hoạt không hợp lý
Ngủ sai tư thế là nguyên nhân gây đau lưng sau khi ngủ dậy phổ biến nhất. Tư thế ngủ sai tạo áp lực lớn lên cột sống, làm mất đường cong sinh lý tự nhiên, gây ra các cơn đau nhức ở một bên lưng sau khi ngủ dậy. Nếu người bệnh thường xuyên ngủ sai tư thế sẽ gây căng thẳng lên cột sống, tăng áp lực lên các khớp, gây ra một số bệnh lý về cột sống. Để cải thiện tình trạng này, người bệnh nên chọn gối đầu có khoảng cách giữa cổ và vai phù hợp, đặt thêm một chiếc gối dưới đầu gối và hạn chế nằm sấp khi ngủ.
Nệm kém chất lượng như mất độ đàn hồi, quá cứng hoặc quá mềm có thể tác động xấu lên lưng, gây ra những cơn đau nhức lưng khi thức dậy. Nếu đau lưng do nguyên nhân này thì thay đổi nệm thích hợp hơn sẽ cải thiện đáng kể tình trạng đau nhức, khó chịu.
Hoạt động quá sức vào ngày hôm trước như khuân vác vật nặng hoặc gắng sức khi tham gia hoạt động thể thao mạnh, làm cho cột sống chịu nhiều áp lực. Lúc này, cơ và dây chằng sẽ bị căng giãn quá mức, gây ra tình trạng đau lưng cột sống, đặc biệt là khi ngủ dậy vào buổi sáng.
Nguyên nhân bệnh lý
Thoái hóa đĩa đệm là tình trạng cấu trúc đĩa đệm bị thoái hóa và bào mòn, gây tổn thương cấu trúc dây chằng và bề mặt xương của các đốt sống hoặc viêm nhiễm quanh xương. Thoái hóa đĩa đệm có thể gây ra những cơn đau khó chịu ở lưng, đặc biệt là vào buổi sáng, sau khi ngủ dậy.
Chấn thương cột sống như gãy, vỡ, lún, xẹp đốt sống... có thể xảy ra do tai nạn trong giao thông, lao động, thể thao. Tùy vào vị trí tổn thương và mức độ tác động sẽ có những triệu chứng chấn thương khác nhau. Nếu tổn thương cột sống không ảnh hưởng tới tủy sống sẽ xuất hiện những cơn đau kéo dài tại vùng lưng bị tổn thương. Mức độ đau đớn sẽ tăng lên sau khi ngủ dậy.
Vẹo cột sống là bệnh lý thường gặp ở những trẻ em gái từ 10 - 18 tuổi. Đây là hiện tượng cột sống mất đường cong sinh lý tự nhiên, bị uốn cong sang phải hoặc trái. Ở giai đoạn đầu, bệnh không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, đặc trưng bởi những cơn đau lưng rõ rệt vào buổi sáng, sau khi thức dậy. Nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh ngày càng phát triển sẽ dần hạn chế tầm vận động, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Hẹp ống sống thường gặp là người trung niên, người cao tuổi. Sự hình thành gai xương hoặc sự thoái hóa của dây chằng cột sống, viêm khớp cột sống là những nguyên nhân chủ yếu gây hẹp ống sống. Khi ống sống bị hẹp, tủy sống và rễ dây thần kinh sẽ bị chèn ép, gây đau nhức tại vùng thắt lưng rồi lan dần xuống chân. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ khu vực nào của cột sống, nhưng thường gặp nhất là ở cột sống thắt lưng.
Bác sĩ Khánh khuyến cáo, nếu các biện pháp giảm đau tại nhà không có hiệu quả với tình trạng đau lưng sau khi thức dậy hoặc cơn đau trở nên trầm trọng hơn, người bệnh cần sớm đến bệnh viện để được thăm khám. Đau lưng có thể là dấu hiệu ban đầu của các bệnh lý về cột sống, nếu không được điều trị kịp thời có nguy cơ phát triển thành những biến chứng nguy hiểm, gây tàn phế.
Phi Hồng